Triết học: Thời Kỳ Phục Hưng

Trước khi vào vấn đề chính ta hãy tìm hiểu xem phục hưng là gì ?

Phục Hưng ( Renaissance ) là một phong trào văn hóa thường được xem là bao gồm giai đoạn từ thế kỳ XV đến thế kỷ XVII, khởi đầu tại nước Ý (Italy) vào Hậu kỳ Trung Đại, sau đó lan rộng ra phần còn lại của Châu Âu trên những quy mô và mức độ khác nhau. Người ta cũng dùng từ Phục Hưng để chỉ, một cách không nhất quán, thời kỳ lịch sử diễn ra phong trào văn hóa nói trên.

Phục Hưng bao hàm sự nở rộ các nền văn học tiếng Latinh cũng như các tiếng dân tộc, bắt đầu từ sự phục hồi việc nghiên cứu các tư liệu cổ điển, sự phát triển của phép phối cảnh tuyến tính và các kỹ thuật nhằm biểu diễn hiện thực tự nhiên hơn trong mỹ thuật, và một cuộc cải cách giáo dục tiệm tiến nhưng phổ cập. Các học giả và nghệ sĩ thời Phục hưng cũng được gọi là những người theo chủ nghĩa nhân văn... 

Đầu tiên chúng ta sẽ đi đến với sự ra đời của triết học Tây Âu thời Phục Hưng:

  - Thời Phục hưng ở tây Âu gồm hai thế kỷ XV - XVI; phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa bắt đầu hình thành; phân hoá giai cấp ngày càng rõ; vai trò kinh tế, xã hội của các giai cấp khác nhau đã tạo nên mâu thuẫn giai cấp.

  - Những phát kiến địa lý (Côlông, Magienlăng) tạo điều kiện cho kinh tế thương mại phát triển; các phát minh khoa học của Côpécníc, Brunô, Galilê đem lại vị trí, vai trò mới của con người. 

1. Tư tưởng triết học về tự nhiên ở Tây Âu thời Phục Hưng:

  - Sự khôi phục di sản triết học Hy Lạp cổ đại, sự ra đời của chủ nghĩa nhân đạo và những thành tựu của khoa học tự nhiên làm nên nội dung triết học tây Âu thời Phục hưng.




  - Một số nhà Triết học tiêu biểu của thời kỳ như : Nicôlai Cuđan (1401-1464), Côpécníc (1473-1543 ), Tômát Morơ (1478 - 1535), ...

2. Tư tưởng triết học về con người ở Tây Âu thời Phục hưng


  - Coi “con người là thước đo tất thảy mọi vật” của Prôtago cũng như quan niệm của Xôcrát coi triết học là sự tự ý thức của con người đã có ảnh hưởng lớn đến triết học thời kỳ Phục Hưng này.
  - Các nhà sử học gọi thời Phục hưng là thời phát hiện ra con người trong thế giới và cả một thế giới trong con người. Trong thời kỳ này xuất hiện các học thuyết triết học về con người và lịch sử của nó, về chủ nghĩa nhân đạo, về giải phóng con người khỏi các tín điều, khỏi đẳng cấp và tuyên bố quyền bình đẳng của con người.
  - Do ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử mới, cũng như những luồng tư tưởng mới, triết học thời kỳ này không đơn thuần dừng lại ở việc tiếp thu và khôi phục các giá trị tư tưởng truyền thống, mà còn, phát triển với nhiều đặc sắc, như Ăng-ghen đã nhận xét: “Đó là một thời đại cần có những con người khổng lồ và đã sinh ra những con người khổng lồ: khổng lồ về năng lực suy nghĩ, về nhiệt tình và tính cách, khổng lồ về mặt có lắm tài, lắm nghề và về mặt học thức sâu rộng”
  - Trong thời Phục hưng, chủ nghĩa cá nhân đã tham gia đấu tranh tư tưởng với chế độ đẳng cấp của xã hội, tổ chức cấp bậc của Nhà thờ Thiên Chúa giáo; cùng với đó, chủ nghĩa cá nhân có tính đạo đức để từ đó sinh ra lòng nhiệt tình, dũng cảm- một tư cách đạo đức của cá nhân.

3. Tư tưởng triết học về chính trị và xã hội ở Tây Âu thời Phục hưng


- Từ chủ nghĩa cá nhân, thời Phục hưng coi xã hội là tổng số cá nhân riêng rẽ.

- Thí nghiệm xây dựng nhà nước không phụ thuộc vào Nhà thờ.

- Xuất hiện những học thuyết tổ chức xã hội cộng sản không tưởng, dựa vào Kinh thánh để yêu cầu xã hội hoá tài sản (Morơ, Campanenla...).

4. Đặc điểm cơ bản  

       4.1. Điều kiện kinh tế - xã hội của triết học Tây Âu thời Phục hưng . 

        Thời kỳ phục hưng và cận đại ở các nước phương tây là hai thời kỳ gắn bó chặt chẽ với nhau, đều nằm trong thời kỳ quá độ từ xã hội phông kiến lên xã hội tư bản.Tuy nhiên, mỗi thời kỳ như vậy lại có nét độc đáo riêng của nó. Thời kì Phục hưng của các nước Tây Âu là giai đoạn lịch sử quá độ từ xã hội phong kiến sang xã hội tư bản (thế kỷ XV - XVI). Tính chất quá độ đó biểu hiện trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế, chính trị - xã hội, văn hoá tư tưởng thời kì này.

          4.1.A. Về kinh tế.

        Khi bóng đêm của đêm trường Trung cổ bị những ánh sáng bình minh của nền văn minh công nghiệp chiếu rọi thì Tây Âu đã có những bước chuyển dữ dội, chuyển sang thời kỳ phục hưng, thời đại phục sinh những giá trị của nền văn hoá cổ đại Hy La đã bị lãng quên trong nền chuyên chế phong kiến kéo dài hàng nghìn năm ở Châu Âu. Xét về bản chất kinh tế, thời kỳ phục hưng ở các nước tây âu đây là thời kỳ phục hồi và phát triển, phương thức sản xuất phong kiến đã trở nên lỗi thời phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa từng bước hình thành. Đây là thời kỳ tích luỹ tư bản đầu tiên được mở rộng. Người nông dân bị đuổi ra khỏi ruộng đất của họ, bạo lực của kẻ cường quyền đã tách người lao động ra khỏi tư liệu sản xuất. Các công trường thủ công dần dần át cách làm ăn kiểu phường hội phong kiến. Các chủ thủ công nghiệp ngày càng có vị trí và vai trò quan trọng trong nền kinh tế, họ trở thành giai tầng mới nắm giữ sức mạnh kinh tế - giai cấp tư sản; trong khi người nông dân do không còn ruộng đất phải ra thành phố kiếm kế sinh nhai bằng cách làm thuê cho các công trường, xưởng thợ. Họ là tiền thân của giai cấp vô sản sau này. 

        Chế độ phong kiến với nền sản xuất nhỏ và các đạo luật hà khắc của nó đã bước vào giai đoạn lụi tàn. Phong trào chống phong kiến của nông dân, thợ thủ công trào dâng khắp Châu Âu. Giai cấp tư sản trở thành kẻ đồng minh. Người ta không chỉ đòi xoá bỏ đặc quyền, đặc lợi của giai cấp phong kiến, những chướng ngại trên con đường phát triển theo xu hướng TBCN mà còn chĩa mũi nhọn vào giáo hội La Mã, thành luỹ tinh thần của chế độ phong kiến. Đặc điểm của phong trào đã ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đấu tranh tư tưởng lúc bấy giờ, bao gồm cả sự phát triển của triết học. Thế giới quan của giai cấp tư sản thể hiện dưới hình thức duy vật và vô thần này càng rõ nét. Nhiều công trường thủ công xuất hiện, ban đầu ở Italia, sau đó lan sang Anh, Pháp và các nước khác, thay thế cho nền kinh tế tự nhiên kém phát triển. 

          Sự phát triển của kinh tế tư bản chủ nghĩa thúc đẩy sự phát triển của khoa học, kĩ thuật. Nhiều công cụ lao động được cải tiến và hoàn thiện. Với việc sáng chế ra máy kéo sợi và máy in đã làm cho công nghiệp dệt, công nghệ ấn loát đặc biệt phát triển, nhất là ở Anh. Sự khám phá và chế tạo hàng loạt đồng hồ cơ học đã giúp cho con người có thể sản xuất có kế hoạch, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động.Những phát kiến về đường biển, tìm ra những miền đất mới, phát hiện ra châu Mỹ... càng tạo điều kiện phát triển cho nền sản xuất theo hướng tư bản chủ nghĩa. Thương mại, thị trường trao đổi hàng hoá giữa các nước được mở rộng; giao lưu quốc tế được tăng cường, nhờ đó mà các nước phát triển sớm như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... thi nhau xâm chiếm thuộc địa để mở rộng việc khai thác thiên nhiên và thị trường tiêu thụ hàng hoá.Những phát kiến địa lý tìm đường ra châu mỹ và đương hang hải sang ấn độ và Trung quốc qua Châu phi đã mở rộng giao lưu hang hóa giữa các nước giữa đông và tây. Nhờ đó sản xuất và thương nghiệp phát triển.

          4.1.B. Về xã hội:

 Đồng thời với sự phát triển của sản xuất và thương nghiệp, trong xã hội Tây Âu thời kì này, sự phân hoá giai cấp ngày càng rõ rệt. Tầng lớp tư sản xuất hiện gồm các chủ xưởng công trường thủ công, xưởng thợ, thuyền buôn... Vai trò và vị trí của họ trong kinh tế và xã hội ngày càng lớn. Hàng loạt nông dân từ nông thôn di cư ra thành thị, trở thành người làm thuê cho các công trường, xưởng thợ. Họ tham gia vào lực lượng lao động xã hội mới, làm hình thành giai cấp công nhân. Các tầng lớp xã hội trên đại diện cho một nền sản xuất mới, cùng với nông dân đấu tranh chống chế độ phong kiến đang suy tàn. Mâu thuẫn giữa tầng lớp tư sản đang lên với giai cấp địa chủ phong kiến cũng như cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng phát triển.

          4.1.C.Về văn hoá, tư tưởng:

         Cùng với sự phát triển về kinh tế và xã hội, khoa học kĩ thuật và tư tưởng thời kì Phục hưng cũng đạt được sự phát triển mạnh mẽ. Do đòi hỏi của thực tiễn sản xuất vật chất, các ngành khoa học tự nhiên bắt đầu phát triển và đây cũng là thời kỳ gặt hái bội thu về các thành tựu khoa học kỹ thuật như sử dụng năng lượng nước, dệt, khai mỏ, luyện kim, chế tạo vũ khí, in ấn, hàng hải… Chẳng hạn với việc sử dụng năng lượng nước đã cho phép thay thế dần sức người và sức súc vật trong sản xuất.Các nhà tư tưởng thời Phục hưng đã phê phán mạnh mẽ các giáo lý Trung cổ. Mở đầu là nhà triết học người phía Nam nước Đức, Nicôlai Kuzan (1401-1464). Tiếp đó là các nhà khoa học - triết học như Nicôlai Côpecnich (1475-1543) người Ba Lan; Lêôna đơ Vanhxi (1452-1519) - nhà danh hoạ, nhà toán học, cơ học, kĩ sư người Italia; Gioocđanô Brunô (1548-1600) người Italia; Galilêô Galilê (1564-1642) người Italia. 

         Trong số những thành tựu khoa học tự nhiên có ảnh hưởng to lớn đến nhận thức duy vật về thế giới, nổi trội hơn cả là thuyết nhật tâm của Nicôlai Côpecnich (1475-1543), nhà bác học vĩ đại người Ba Lan. Nicôlai Côpecnich đã đứng trên lập trường của triết học duy vật để bác bỏ thuyết địa tâm do Ptôlêmê (người Hy Lạp) đề xuất từ thế kỷ thứ II, một giả thuyết sai lầm coi quả đất là trung tâm của hệ mặt trời và vũ trụ. Thuyết nhật tâm của Nicôlai Côpecnich đã giáng một đòn nặng nề vào thế giới quan tôn giáo, thần học. Giả thuyết của ông là một cuộc cách mạng trên trời, báo trước một cuộc cách mạng trong lĩnh vực các quan hệ xã hội sắp xảy ra. Trong thời đại Phục hưng, các nhà tư tưởng tư sản đã bênh vực triết học duy vật, vận dụng nó để chống lại chủ nghĩa kinh viện và thần học Trung cổ. Cuộc đấu tranh của chủ nghĩa duy vật chống chủ nghĩa duy tâm thường được biểu hiện dưới hình thức đặc thù là khoa học chống tôn giáo, tri thức thực nghiệm đối lập với những lập luận kinh viện. Cuối cùng, sự chuyên chính của giáo hội và sự thống trị của chủ nghĩa kinh viện Trung cổ đã không ngăn được sự phát triển bước đầu của khoa học thực nghiệm và triết học duy vật - tiền đề cho những thành tựu mới và những đặc điểm mới của triết học trong các thế kỷ tiếp theo. 





----------------- HẾT ------------------

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn